Việc tìm ra những sai sót về sử dụng giới từ là một trong những phần khó nhất khi giải các câu hỏi của bài thi trắc nghiệm tiếng Anh.Trong bài học này, Dayhoctienganh.net muốn đề cập đến các vấn đề thường gặp trong các đề thi trắc nghiệm như sau:
– Cách dùng giới từ.
– Phân biệt một số giới từ thông dụng.
– Những lỗi thường gặp khi chọn dùng giới từ.
1) Cách dùng giới từ:
Giới từ làm chức năng nối liền danh từ (hoặc từ tương đương danh từ – noun equivalent) với một vài thành phần khác của câu. Hiện nay tiếng Anh có khoảng 70 giới từ đơn (chưa kể các giới từ kép). Đó thường là những từ ngắn và cho dù số lượng giới từ không nhiều, nhưng có thể nói nó xuất hiện trong hầu hết các câu tiếng Anh và gây không ít khó dễ cho người sử dụng Anh ngữ. Giới từ được sử dụng theo các cách sau đây:
– Trong các mệnh đề trạng từ để chỉ thời gian, nơi chốn và các mối quan hệ khác: in the morning, on Grant Avenue, before dinner,…
– Sau một số danh từ: a reason for, a solution to, ….
– Sau một số tính từ và phân từ: different from, disappointed in,…
– Sau một số động từ: rely on, refer to, …
– Trong các đặc ngữ, thành ngữ: on occasion, in general,….
Một cụm giới từ (prepositional phrase) bao gồm một giới từ và được theo sau bằng một cấu trúc danh từ (danh từ, đại từ hoặc cụm danh từ). Những cụm giới từ này thường đóng vai trò như những tính từ hay trạng từ, nên chúng có thể bổ nghĩa cho các danh từ, động từ hoặc vài thành phần khác trong câu. Danh từ hay tương đương của danh từ đi ngay sau giới từ gọi là bổ ngữ của giới từ.
Những giới từ “đặc trưng” đi theo các từ loại khác: Một điểm rất quan trọng là chúng ta phải nắm vững những giới từ nào thường đi theo sau một số danh từ, tính từ, động từ…Không phải đó là quy định mà là những nhà văn và diễn giả nổi tiếng đã sử dụng chúng như thế và nay đã trở thành thông dụng. Việc sử dụng cho đúng giới từ không phải là việc dễ dàng vì cách dùng chúng không thể suy diễn là hợp lý hay không, mà tùy thuộc vào thông lệ đã có từ lâu. Mỗi ngôn ngữ có cách dùng giới từ khác nhau và chúng ta phải “học theo cách người Anh dùng chúng”, chứ không phải cách chúng ta nghĩ phải là như vậy. Một khi nghi ngờ về một giới từ đi theo một từ khác hoặc ngữ nghĩa có thể thay đổi thì chúng ta cần phải tham khảo từ điển.
Dưới đây là một số từ + giới từ đi theo thường gặp và cũng có tần số xuất hiện cao trong các đề thi trắc nghiệm tiếng Anh:
Verb + prepositions: | |
– accounnt for (giải thích) | – adjust to (điều chỉnh, thích nghi) |
– approve of (tán thành) | – attribute to (cho là) |
– believe in (tin tưởng vào) | – belong to (thuộc về) |
– combine with (kết hợp với) | – consist of (gồm có) |
– deal with (đối phó, đề cập đến) | – decide on (quyết định làm gì) |
– depend on (lệ thuộc vào) | – engage in (tham gia vào) |
– insist on (khăng khăng đòi) | – interfere with (can thiệp vào) |
– refer to ( tham khảo, bắt nguồn) | – rely on (tin cậy vào, dựa vào) |
– search for (tìm kiếm) | – withdraw from (rút ra khỏi) |
Noun + prepositions: | |
– attention to (sự chú ý tới) | – combination of (sự kết hợp với) |
– component of (bộ phận của) | – concept of (khái niệm về) |
– cure for (sự chữa trị, phương thuốc) | – decrease in (sự giảm sút về) |
– demand for (sự đòi hỏi) | – exception to (biệt lệ đối với) |
– expert on (chuyên gia về) | – group of (tốp, nhóm) |
– improvement in (cải thiện về) | – increase in (sự gia tăng về) |
– influence on (có ảnh hưởng đối với) | – interest in (quan tâm tới) |
– need for (sự cần thiết) | – problem with (có vấn đề) |
– process of (cách thức, quá trình) | – reason for (lý do) |
– reference to (sự tham khảo) | – result of (kết quả) |
– solution to (giải pháp, sự giải quyết) | – variety of (nhiều thứ, đủ loại),… |
Adjective/ Participle + prepositions: | |
– acceptable to (có thể chấp nhận) | – accustomed to (quen với) |
– acquainted with (quen với) | – afraid of (lo sợ) |
– based on (căn cứ vào) | – capable of (có năng lực, tài năng) |
– close to (gần với) | – composed of (bao gồm, gồm có) |
– dependent on (dựa vào, ăn theo) | – different from (khác với) |
– disappointed in / with (thất vọng) | – divided into (chia ra) |
– eligible for (đủ tư cách, có quyền) | – equal to (đủ sức, đủ khả năng) |
– familiar with (quen thuộc) | – famous for (nổi tiếng) |
– next to (tiếp sau, đến ngay sau) | – opposed to (chống lại, tương phản) |
– opposite to (đối diện, đối nhau) | – pleased with (hài lòng) |
– related to (có liên quan, có quan hệ) | – responsible for (chịu trách nhiệm) |
– satisfied with (hài lòng, thỏa mãn) | – suitable for (thích hợp) |
Về hình thức, giới từ không bao giờ thay đổi, cho dù chúng đứng ở bất cứ vị trí nào trong câu. Giới từ có các hình thức:
– Giới từ đơn, chỉ có một từ. Đây là những giới từ thông dụng nhất: in, on, to, with,…
– Giới từ kép liền, được tạo thành bằng cách ghép 2 giới từ đơn lại với nhau hoặc bằng cách thêm tiền tố “be”, “a”: within, into, throughout, before, against,…
– Giới từ kép rời gồm 2 hay 3 từ: because of, according to, in order to,…
– Cụm giới từ, gồm 2 phần: giới từ và bổ ngữ của giới từ: under the table, according to scientific principles,…
Giới từ được phân thành nhiều loại: giới từ chỉ thời gian (after, before, about, at, till, to, from, during,…); giới từ chỉ nơi chốn (behind, beside, between, above, down, in,…); giới từ chỉ mục đích (in order to, for,…); giới từ chỉ nguyên nhân (because of, thanks to, through, with,….); giới từ chỉ sự chuyển động (from, to, through, toward, towards, across,…).
2) Phân biệt một số giới từ thông dụng:
a) At, in và on:
* Khi là giới từ chỉ thời gian, 3 từ này được dùng như sau: at dùng cho một điểm thời gian rất ngắn như: at five o’clock; at midnight,…(vào lúc 5 giờ, lúc nửa đêm,…). On dùng trước thời gian dài hơn như ngày: on Sunday, on Monday, on November 17th ; on Christmas Day,…(vào ngày Chủ nhật, vào ngày thứ Hai, vào ngày 17 tháng 11, vào ngày Giáng Sinh,…). In dùng cho một khoảng thời gian: in the morning; in November; in winter; in 1949,…(vào buổi sáng; vào tháng 11; vào mùa đông; vào năm 1949,…).
Ngoại lệ:
– At Christmas, at Easter (khi người ta ám chỉ cả “mùa” Giáng Sinh, “mùa” Phục Sinh chứ không nói chỉ riêng một ngày đó).
– Người ta nói “on the morning / afternoon / evening” của một ngày nhất định nào đó. Thí dụ: On the morning of the 4th of July,…
* Khi là giới từ chỉ nơi chốn, ta phải phân biệt giữa at và in như sau: at dùng với những địa điểm nhỏ như: at an address (ở một địa chỉ), at a certain point (một điểm nào đó), at home (ở nhà), at work (ở nơi làm việc). in dùng với những nơi lớn hơn như: In a country (trong một nước), in a city (thành phố), in a village (làng, xã), in a square (quảng trường), in a street (khu phố), in a forest (rừng),….
Tuy nhiên, chúng ta có thể nói: We are at a square (Chúng tôi ở tại một quảng trường) với nghĩa là “Chúng tôi đã đặt chân đến đó”.
Với một tòa nhà, văn phòng…thì khi dùng at có nghĩa là ở trong, ở bên ngoài, bên cạnh đó. Còn in thì chỉ có một nghĩa duy nhất là ở “trong” tòa nhà, văn phòng … mà thôi.
b) Among và between:
Cả hai đều có nghĩa là “giữa”, nhưng between là giữa 2 người, hai vật, còn among là giữa nhiều người, nhiều vật.
– Between you and me, this contract is never going to be signed.
Giữa anh và tôi, bản hợp đồng này sẽ không bao giờ được ký kết.
– The reward money was divided among the three families who supplied clues to the police department.
Món tiền thưởng được chia giữa 3 gia đình đã cung cấp manh mối cho cảnh sát.
c) To và till/ untill:
Đều có nghĩa là đến, cho đến khi. To có thể dùng để chỉ thời gian và nơi chốn, còn till và untill chỉ dùng cho thời gian.
* To và till dùng chỉ thời gian
– They work from 8 a.m to 4 p.m
Hoặc:
– They work from 8 a.m till 4 p.m
Nếu như không dùng “from” thì ta cũng không dùng to mà chỉ đặt till ở trước thời gian sau cùng. Thí dụ: Let’s start now and work till dark (Chúng ta hãy bắt đầu bây giờ và làm việc cho đến lúc trời tối).
* Till / untill thường dùng trong câu phủ định để nhấn mạnh sự chậm trễ (lateness) hoặc chỉ rõ một thời điểm cuối.
– We didn’t sleep until midnight.
Chúng tôi đã không ngủ cho đến nửa đêm. (Và đến lúc đó, chúng tôi mới bắt đầu ngủ).
* To dùng để chỉ nơi chốn.
– He goes to school every day.
Anh ấy đi học mỗi ngày.
d) From, since và for:
From có thể dùng chỉ thời gian và nơi chốn. Since chỉ dùng cho thời gian, không bao giờ dùng chỉ nơi chốn. Since có nghĩa “từ thời điểm đó cho đến lúc nói”.
– Our company has been in business since 1986.
Công ty của chúng tôi hoạt động từ năm 1986.
– They moved from Denver to Houston.
Họ đã di chuyển (dọn nhà) từ Denver đi Houston.
Hai giới từ since và for đều chỉ về thời gian, nhưng có điểm dị biệt quan trọng giữa chúng. For luôn luôn theo sau bằng một cụm từ chỉ một khoảng thời gian (an amount of time) như 1 năm, 3 tháng, 2 tuần, 5 giờ… chẳng hạn. Trong khi theo sau since là một cụm từ chỉ mốc thời gian (a point in time) như năm 2004, tháng 6, last year,….
– David has lived here for 6 years.
David đã sống ở đây 6 năm. (Bây giờ còn sống ở đó).
e) During và for:
* Như trên đã nói, for được dùng cho “một khoảng thời gian” và để trả lời câu hỏi: bao lâu? Giới từ for thường được theo sau bằng một danh từ số ít có mạo từ bất định “a hay an”, bằng một danh từ số nhiều, một tính từ chỉ số hoặc trạng từ “ever” (mãi mãi). Thí dụ: for a long time; for years; for six days; for ever,…
* During được đặt trước một khoảng thời gian đã biết nên thường được theo sát bằng tên của thời kỳ đó (the Middle Ages: thời trung cổ; The Easter: mùa Phục sinh,…) hoặc bằng “the, this, that, these, those,…”. During ám chỉ đến “trong khoảng thời gian ấy” hay “suốt thời gian ấy” và để trả lời câu hỏi “When?” (Khi nào?).
– David went to France for three years. During that time he studied French.
David đi Pháp 3 năm. Trong thời gian ấy, anh ta nghiên cứu tiếng Pháp.
3) Những lỗi thường gặp khi chọn dùng giới từ
a) Tránh dùng giới từ không cần thiết:
Đó là kiểu dùng 2 giới từ cùng lúc và cạnh nhau. Nên nhớ, trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần một giới từ là đủ.
– Take your feet off of the table (Sai).
– Take your feet off the table (Đúng).
Hãy bỏ chân bạn ra khỏi bàn.
b) Lẫn lộn giữa giới từ và trạng từ:
Hai từ loại này thường có hình thức giống nhau. Do đó, để phân biệt, ta phải căn cứ vào chức năng của chúng trong câu. Cái dễ nhận diện nhất là: giới từ bao giờ cũng có một bổ ngữ là danh từ (hoặc tương đương danh từ) đi theo, còn trạng từ thì không có bổ ngữ.
c) Dùng sai giới từ:
Một số giới từ thường bị dùng sai do người viết lầm lẫn sang nghĩa của giới từ khác. Except với besides chẳng hạn. Giới từ except có nghĩa là “trừ ra, không kể” trong khi besides có thêm nghĩa “cộng thêm nữa, với, kể cả”.
d) Lược bỏ hay không lược bỏ giới từ:
Trong nhiều trường hợp, việc lược bỏ giới từ rất hợp lý vì nó không thay đổi ngữ nghĩa của câu.
– A fly can move more than 10 kilometers (in) a day.
Một con ruồi có thể bay 10 km (trong) một ngày.
Nghĩa của câu này chẳng hề thay đổi cho dù có giới từ in hay không. Việc lược bỏ là hợp lý.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý việc phải dùng giới từ trong nhiều trường hợp thì câu văn mới đúng ngữ pháp.
– Would you like to come over my house on Sunday?
Trong văn viết chính thức, câu này thiếu giới từ to trước “my house”. Ta cần viết lại:
– Would you like to come over to my house on Sunday?
Bạn có thích đến nhà tôi vào ngày Chủ nhật không?
e) Dùng sai các mẫu câu “from … to …” và “between … and …”:
Cả hai mẫu câu này đều thông dụng khi chỉ một khoảng thời gian (bắt đầu và kết thúc). Chúng cũng được dùng để chỉ các mối quan hệ về không gian và các mối quan hệ khác.
– He lived in Denver between 2004 and 2006.
Anh ấy sống ở Denver khoảng từ năm 2004 đến 2006.
– This road ran from Los Angeles to San Francisco.
Con đường này chạy từ Los Angeles đến San Francisco.
Điều cần chú ý là một số người viết sai khi diễn tả khoảng thời gian giữa các năm. Chẳng hạn, thay vì viết đúng là “between 2004 and 2006”, họ lại viết sai thành “between 2004 to 2006”. Một số người lại có kiểu viết “between 2004 – 2006” mà đúng ra, trong kiểu viết này, từ between cần phải lược bỏ để chỉ còn “2004 – 2006”.
Hy vọng với bài học trên đây, các bạn sẽ hiểu rõ thêm một số vấn đề về cách dùng giới từ trong tiếng Anh và nhận diện ra đáp án chính xác nhất trong bài thi trắc nghiệm tiếng Anh liên quan đến giới từ. Các bạn cũng nên tiếp tục xem bài số 21 – phần bài tập trắc nghiệm về giới từ (sau bài viết này) để thực hành kỹ năng làm bài trắc nghiệm.