Trong bài này, chúng ta đề cập đến các vấn đề:
– Thì của động từ (verb tense).
– Sự chuyển đổi các thì trong cùng một câu.
– Những cặp động từ thường bị dùng lẫn lộn.
I) Các thì của động từ: thì của động từ cho chúng ta biết thời điểm hành động xảy ra. Có 9 thì quan trọng:
Tên gọi | Ví dụ | Thời điểm hành động |
1) Simple present tense (Thì hiện tại đơn | – He walks to his office regularly.
(Anh ấy đi bộ đến sở làm thường xuyên) |
– Hành động, sự việc xảy ra hiện tại hoặc thường xuyên. |
2) Progressive present tense (Thì hiện tại tiếp diễn) | – He’s walking to his office
(Anh ấy đang đi bộ đến sở làm) |
– Hành động đang diễn ra và kéo dài ở thời điểm nói. |
3) Present perfect tense (Thì hiện tại hoàn thành) | – He has walked two kilometers this morning.
(Anh ấy đã đi bộ 2km sáng nay) |
– Hành động đã kết thúc trước thời điểm nói. |
4) Simple past tense (Thì quá khứ đơn) | – He walked to his office.
(Anh ấy đã đi bộ đến sở làm) |
– Hành động đã xảy ra trong quá khứ. |
5) Progressive past tense (Thì quá khứ tiếp diễn) | – He was walking to his office
(Anh ấy đã đang đi bộ đến sở làm). |
– Hành động tiếp diễn ở một thời điểm nào đó trong quá khứ. |
6) Past perfect tense (Thì quá khứ hoàn thành) | – He had walked to his office many times before the establishment of the bus line.
(Anh ấy đã đi bộ đến sở làm nhiều lần trước khi tuyến xe buýt được thiết lập) |
– Hành động được hoàn thành trước một thời khắc hay sự kiện nào đó trong quá khứ. |
7) Simple future tense (Thì tương lai đơn) | – He will walk to his office tomorrow morning.
(Sáng mai anh ấy sẽ đi bộ đến sở làm) |
– Hành động sẽ diễn ra sau thời điểm hiện tại. |
8) Progressive future tense (Thì tương lai tiếp diễn) | – He will be walking there later.
(Anh ấy sẽ đi bộ đến đó sau) |
– Hành động sẽ diễn ra liên tục một lúc nào đó sau thời điểm hiện tại. |
9) Future perfect tense (Thì tương lai hoàn thành) | – He will have walked to his office by the end of this meeting.
(Anh ấy sẽ đi bộ đến sở làm sau khi cuộc họp này kết thúc) |
– Hành động sẽ hoàn thành trước một thời điểm hay sự kiện ở tương lai. |
Trên đây là sơ lược 9 thì quan trọng trong Anh ngữ. Các bạn có thể xem lại các bài học chi tiết về các thì này và tham khảo các thì còn lại tại chuyên mục “Ngữ pháp nâng cao” của dayhoctienganh.net.
Ta cũng cần chú ý phân biệt ngữ nghĩa của những cặp câu dưới đây:
– They have lived here for 4 years. (And they’re still living here)
Họ sống ở đây đã 4 năm. (Và hiện tại vẫn còn tiếp tục sống ở đó).
– They lived here for 4 years. (They are not here now).
Họ đã sống ở đây 4 năm. (Hiện nay họ không còn ở đó nữa)
Câu trên dùng thì hiện tại hoàn thành; còn câu dưới do hành động “sống ở đó” đã chấm dứt trước thời điểm nói nên ta dùng quá khứ đơn.
– He has written a number of books.
Ông ấy đã viết một số sách. (Hàm ý tác giả hãy còn sống và có thể ông ấy sẽ viết tiếp nữa).
– He wrote a number of books.
Câu trên ở thì hiện tại hoàn thành; câu dưới (cùng nghĩa với câu trên) nhưng dùng ở thì quá khứ đơn với hàm ý tác giả đã chết hoặc vì lý do nào đó không viết nữa.
– A monument will be erected at the site of the battle when the general returns.
Một đài tưởng niệm sẽ được xây dựng tại địa điểm (nơi xảy ra) chiến trận khi vị tướng trở lại.
– A monument will have been erected at the side of the battle when the general returns.
Câu trên hàm ý sau khi vị tướng trở lại địa điểm chiến trận thì đài tưởng niệm sẽ được xây, ta dùng thì tương lai đơn (ở dạng thụ động); còn câu dưới, với thì tương lai hoàn thành (cũng dạng thụ động) ám chỉ rằng vào thời điểm tương lai khi vị tướng trở lại, thì đài tưởng niệm lúc đó đã được xây rồi.
2) Sự chuyển đổi các thì trong cùng một câu:
Trong các bài thi trắc nghiệm, thí sinh cũng thường phải phát hiện những sai sót trong việc chuyển đổi thì (tense) không hợp lý. Chẳng hạn trong câu dưới đây:
– Last night, David wrote a letter and does his homework.
Trong câu này, có hai động từ và do thời điểm diễn ra hành động là “tối qua” nên ta dùng thì quá khứ đơn, chứ không thể chuyển đổi động từ “do” qua thì hiện tại một cách bất hợp lý. Ta viết lại: Last night, David wrote a letter and did his homework (Tối qua, David đã viết một bức thư và làm bài tập của mình).
Ý nghĩa của câu, của đoạn văn sẽ quyết định ta dùng thì nào, và ta phải duy trì sự nhất quán đó, trừ khi ý nghĩa của câu đòi hỏi phải thay đổi thì. Sự nhất quán không có nghĩa buộc ta luôn luôn dùng cùng một thì cho tất cả các động từ trong cùng một câu, nhưng sự thay đổi phải hợp lý.
– Yesterday I was sick, today I am well, and tomorrow I will return to work.
Hôm qua tôi bệnh, hôm nay tôi khỏe và ngày mai tôi sẽ trở lại làm việc.
Các động từ trong câu: was, am và will return được sử dụng hợp lý trong 3 thì diễn tả hành động xảy ra hôm qua (quá khứ đơn), hôm nay (hiện tại đơn) và ngày mai (tương lai đơn).
Hãy xem xét câu dưới đây:
– Helen had gone (past perfect tense) to the market and then realizes (simple present tense) that she forgot (simple past tense) her wallet at home.
Câu này sử dụng 3 thì một cách bất hợp lý. Ta cần sửa lại: Helen went (simple past tense) to the market and then realized (simple past tense) that she had forgotten (past perfect tense) her wallet at home. Hoặc: Helen had gone (past perfect tense) to the market and then realized (simple past tense) that she had forgotten (past perfect tense) her wallet at home. Ở đây ta dùng hai thì và sự chuyển đổi hợp lý theo hành động xảy ra tuần tự trước sau: Helen đã bỏ quên ví tiền ở nhà (hành động xảy ra trước tiên), cô ta chỉ phát hiện (hành động sau cùng) khi đi đến chợ (hành động thứ hai).
3) Những cặp động từ thường bị dùng lẫn lộn:
a/ Make và do:
Make thường bị dùng lầm vào vị trí của do và ngược lại. Hai động từ này thường đi với một số danh từ nhất định mà chẳng hề có một quy luật nào để giúp người học tiếng Anh dễ dàng nhớ cả. Tổng quát, người ta thường dùng make khi nói về các hoạt động để thành lập, hình thành một cái gì vốn chưa hiện hữu trước đó; trong khi động từ do hàm nghĩa thực hiện, hoàn thành…, nói về các hoạt động liên quan đến vài loại công việc như “do homework” (làm bài tập ở nhà), “do research” (nghiên cứu), “do damage” (gây hư hại),…
Một số danh từ thông dụng trong việc kết hợp với động từ make là:
– arrangement (sắp đặt, dàn xếp) | – choice (chọn lựa) |
– comment (bình luận, chú giải) | – decision (quyết định, giải quyết) |
– journey (hành trình, chuyến đi) | – inquiry (đòi hỏi, yêu cầu) |
– noise (tiếng ồn) | – plan (kế hoạch, dự án) |
– promise (lời hứa, hứa hẹn) | – remark (lưu ý, nhận xét) |
– sound (âm thanh, giọng) | – speech (bài nói chuyện, diễn văn) |
– suggestion (đề nghị, gợi ý) | – tour (chuyến đi) |
– trip (chuyến đi) | – visit (chuyến thăm, cuộc thăm viếng) |
Make cũng thông dụng với nghĩa: làm, tạo ra, chế tạo ra; như khi ta nói “make a bicycle” (chế tạo ra chiếc xe đạp), “make a cake” (nướng, làm ra cái bánh),…
Ta không dùng make khi đề cập đến một hành động, việc làm một cách tổng quát. Thay vào đó, ta dùng động từ “do”.
– I’ll see what can be done
Tôi sẽ xem xem có thể làm được những gì.
– They’ve done a lot to help her.
Họ đã làm nhiều việc để giúp cô ấy.
Trong những trường hợp như trên, ta không dùng make.
b/ lay và lie
Nguyên nhân lẫn lộn là do hình thức quá khứ của lie lại là hình thức nguyên mẫu của lay. Các hình thức của hai động từ này như sau:
– Base form (Từ nguyên) | lay | lie |
– Past tense (Quá khứ) | laid | lay (lied) |
– Past participle (Quá khứ phân từ) | laid | lain (lied) |
– Present participle (Hiện tại phân từ) | laying | lying |
– “S” form (Ngôi thứ 3 số ít) | lays | lies |
Là nội động từ (intransitive verb), lie có hai hình thức quá khứ và phân từ quá khứ tùy theo nghĩa.
* Khi lie có nghĩa: nằm – tức ở tư thế nghỉ ngơi trên một mặt bằng – thì nó là một động từ bất quy tắc (lie – lay – lain), trong đó, hình thức phân từ quá khứ lain rất hiếm khi được sử dụng (hầu như chỉ dùng trong văn học).
– She lay down and stared at the ceiling.
Cô ấy đã nằm xuống và nhìn chòng chọc vào trần nhà.
* Khi lie có nghĩa: nói dối, nói láo, thì nó là một động từ quy tắc với hình thức quá khứ và phân từ quá khứ là: lied. Chẳng hạn như ta nói: Yesterday, I lied (Hôm qua, tôi đã nói dối).
Là ngoại động từ (transitive verb) nên lay cần có bổ ngữ. Lay có nghĩa: đặt, để, trải (cái gì/ ai) lên một bề mặt hoặc vào một ví trí nào đó. Một số cụm từ thường dùng của lay là “lay a table” (bày bàn ăn, tức là bày biện các thứ như đĩa, dao, nĩa … lên bàn chuẩn bị cho một bữa ăn); “lay an egg” (“dùng với chim, gà,…” đẻ trứng) …
– As soon as I come in the door, I lay my keys on the table.
Ngay khi bước vào cửa, tôi để chìa khóa lên trên bàn.
Lưu ý:
Trong một số phương ngữ – tiếng địa phương (local dialect) – cả ở Anh lẫn Mỹ, hình thức lay (với nghĩa: đặt, để) thường được dùng ở vị trí của lie (với nghĩa: nằm).
– I’m going to lay down for a few mimutes.
Tôi sẽ nằm nghỉ trong vài phút.
Câu này theo tiếng Anh chuẩn phải nói “I’m going to lie down for a few minutes”.
c/ sit và set
Cả hai đều là động từ bất quy tắc (sit – sat – sat và set – set – set). Sit là nội động từ có nghĩa: ngồi, (chim) đậu, (gà) ấp trứng; còn ngoại động từ set có rất nhiều nghĩa, trong đó thông dụng nhất là: đặt, để, bố trí.
– Our teacher sat on a chair.
Giáo viên của chúng tôi ngồi trên một cái ghế.
– He has set the vase in the center of the table.
Anh ấy đã đặt chiếc bình ở ngay giữa bàn.
d/ raise và rise
Raise là động từ quy tắc, còn rise là động từ bất quy tắc (rise – rose – risen). Là ngoại động từ, raise có nghĩa: nâng lên, tăng lương, tăng giá…
– A policeman raised his hand to stop traffic.
Một viên cảnh sát đã đưa tay lên (ra tín hiệu) ngừng giao thông.
Còn nội động từ rise có nghĩa: dậy, đứng dậy, (mặt trời, mặt trăng) mọc.
– She rises early every morning.
Mỗi buổi sáng bà ấy (đều) dậy sớm.